Hung khí được hiểu là công cụ, phương tiện sử dụng vào việc phạm tội, có tính nguy hiểm đáng kể cho người bị xâm hại và cho cả xã hội. Trong một số tội phạm, người phạm tội đã sử dụng hung khí nguy hiểm, để tác động đến đối tượng bị xâm hại. Đó là khi họ dùng các vật dụng có sẵn trong đời sống của con người, trong tự nhiên như dao, kéo, kiếm, búa đinh, dao bầu, gậy, gộc, đòn gánh để gây án.
Cũng là hành vi cố ý gây thương tích, nhưng nếu dùng sức mạnh của cơ thể như: tay, chân, răng để đấm đá, xô đẩy, cắn vào cơ thể người bị xâm hại, thì thông thường, thương tích xảy ra ít nguy hiểm hơn khi đối tượng dùng dao kéo để đâm, dùng búa rìu, đòn gánh để bổ vào thân thể nạn nhân.
Lực lượng công an thu giữ hung khí nguy hiểm
Các tình huống và thực tiễn pháp lí này, được nhà làm luật xác định là hung khí nguy hiểm, trong một số hành vi phạm tội, đặc biệt là các tội danh về xâm phạm về tính mạng, sức khoẻ; xâm phạm sở hữu của người khác.
Vấn đề đặt ra là, những công cụ, vật dụng nào thuộc danh mục hung khí nguy hiểm, và hình dáng, trọng lượng đặc tính cơ học, lý hoá của nó ra sao.
Tiếp cận vấn đề này là vì, có người vẫn cho rằng, khi một ai đó dùng dụng cụ, vật dụng nhỏ, có trọng lượng nhẹ, như cái đinh, hòn đá gây thương tích cho người khác, thì không xử lý người vi phạm bằng biện pháp hình sự, với lập luận, cái mà đối tượng sử dụng để gây thương tích, chưa phải là hung khí, chỉ vì hình dáng của nó, trọng lượng của nó và thể tích của nó nhỏ, nên chưa nguy hiểm, không nguy hiểm.
Theo quy định của pháp luật, hung khí nguy hiểm quy định tại Điều 104 về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác, được xác định là vũ khí, đó là các loại vũ khí được quy định tại khoản 1 Điều 1 Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (Ban hành kèm theo Nghị định số 47/CP ngày 12 tháng 08 năm 1996 của Chính phủ).
Tiếp nữa, là phương tiện nguy hiểm, đây được xác định là những công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống con người trong sản xuất, trong sinh hoạt hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên, mà người phạm tội có được, và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác, thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khoẻ của người bị tấn công.
Nghị quyết số 02/2003 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 còn xác định, mô tả, ví dụ cụ thể công cụ, dụng cụ nguy hiểm như: búa đinh, dao phay, các loại dao sắc, nhọn...; Về vật mà người phạm tội chế tạo ra như: thanh sắt mài nhọn, côn gỗ...; Về vật có sẵn trong tự nhiên như: gạch đá, đoạn gậy cứng, chắc, thanh sắt...
Cần được hiểu rằng, đây là những ví dụ, những liệt kê có tính ngẫu nhiên, điển hình, vì sau các liệt kê này, còn có dấu ba chấm (...), là những cái khác mà cơ quan hướng dẫn không thể liệt kê hết, mô tả hết.
Do vậy, hung khí nguy hiểm phải được hiểu ở phạm vi rộng, nó là những vật gì đó, thoả mãn các tiêu chí quy định như trong Nghị quyết nêu trên của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.
Đây là văn bản quy phạm pháp luật, nên các cơ quan Tư pháp hình sự, phải soi chiếu vào đó để áp dụng, thực hiện, chứ không có chuyện bàn cãi, ý tôi thế này, ý anh thế kia.
Từ những viện dẫn và trình bày trên, chúng tôi khẳng định rằng, tính nguy hiểm của những cái gì được xác định là hung khí, nó không phụ thuộc vào hình dáng, khối lượng, trọng lượng, màu sắc, tính lí hóa, tính cơ học của vật thể.
Vì, nếu dùng một chiếc đinh nhỏ để đâm vào con mắt làm thủng giác mạc, dẫn đến mù loà, còn nguy hiểm hơn dùng một thanh gỗ có trong tự nhiên, đánh vào phần mềm cơ thể.
Do vậy, tính nguy hiểm của hung khí, trước hết phải được hiểu là khả năng thực tế, khả năng pháp lý gây ra nguy hại cho người bị tấn công, bị xâm hại, và còn cho cả xã hội nữa. Như đã kiến giải trên, chữ “hung” được hiểu là xấu, nó nghịch nghĩa với chữ “cát” với nghĩa là tốt.
Đây có lẽ là bản chất sâu xa của thuật ngữ này. Những ai cố tình cho rằng, các vật thể nhỏ, nhẹ, hình thù ít sắc, nhọn tồn tại trong thế giới vật chất, đã được người phạm tội sử dụng để gây thương tích cho người khác, chưa được coi là hung khí theo luật định, đây là nhận thức áp dụng pháp luật một cách không có căn cứ và thô thiển.
Bài viết xin góp thêm một kiến giải, để chúng ta cùng nhận thức đúng về hung khí trong Bộ luật hình sự.
Theo báo Congannghean.vn ngày 08/4/2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét