Thứ Hai, 29 tháng 8, 2011

Vốn Điều lệ công ty cổ phần

Nhân đọc bài “Năm 2010 - buồn vui với công ty cổ phần” trên TBKTSG số ra ngày 30-12-2010.
Nguyễn Văn Quyết

"Theo tôi, phần về vốn điều lệ mà tác giả Trần Thanh Tùng cho rằng quy định trong khoản 4 điều 40 Nghị định 43/2010/NĐ-CP và được khẳng định trong điều 6 Nghị định 102/2010/NĐ-CP là trái với quy định trong Luật Doanh nghiệp, chỉ là quy định chi tiết và làm rõ khái niệm vốn điều lệ trong Luật Doanh nghiệp mà thôi.

Điều khác nhau cơ bản nhất là cổ đông trong công ty cổ phần chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp còn thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn sẽ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn cam kết góp vào doanh nghiệp.

Do đó, đối với công ty cổ phần, cần thiết phải quy định số vốn điều lệ là số vốn mà các cổ đông thực góp vào doanh nghiệp, không bao gồm giá trị của số cổ phần được quyền chào bán và đó là trách nhiệm của cổ đông đối với doanh nghiệp.

Nếu ghi nhận cả giá trị của số cổ phần được quyền chào bán thì xảy ra tình trạng công ty đăng ký số cổ phần được quyền chào bán cao, số vốn điều lệ là ảo. Khi đó các đối tác giao dịch sẽ dễ bị nhầm lẫn giữa vốn điều lệ (ảo) với quy mô vốn thực góp của doanh nghiệp.

Hơn nữa, khi họp đại hội đồng cổ đông, tổng số cổ đông tham dự là 100% nhưng tổng số cổ phần thực góp cũng chưa bằng vốn điều lệ, lúc đó sẽ phải ghi tỷ lệ biểu quyết như thế nào? Nếu ghi tỷ lệ là cả số cổ phần cam kết góp, thì mâu thuẫn với phạm vi trách nhiệm của cổ đông với doanh nghiệp, nếu ghi tỷ lệ là số cổ phần thực góp thì không đủ 100% vốn điều lệ. Do đó, quy định như Nghị định 43 và Nghị định 102 là hoàn toàn chính xác.

Đối với công ty cổ phần mới thành lập thì phải cho phép ghi nhận vốn điều lệ là vốn cam kết góp, nhưng chỉ trong 90 ngày là phải góp đủ, nếu sau ba năm không góp đủ thì phải giảm vốn điều lệ xuống bằng với số vốn thực góp. Việc chào bán cổ phần ra bên ngoài không bị hạn chế bởi việc đăng ký vốn điều lệ. Nếu lý luận vốn điều lệ của công ty cổ phần được chia nhỏ thành những phần bằng nhau, gọi là cổ phần, hay tổng số cổ phần là vốn điều lệ thì đó là chuyện “con gà, quả trứng”.

Xét về bản chất, đó vẫn là số vốn thực góp của cổ đông vào doanh nghiệp. Doanh nghiệp không phải thuyết phục mua cổ phần bằng cách đăng ký tăng vốn điều lệ, mà phải bằng phương án kinh doanh khả thi, sau khi chào bán xong, xem xét số vốn thực góp vào doanh nghiệp thì sẽ đăng ký lại số vốn điều lệ.

Công ty có hai loại vốn: vốn vay và vốn chủ sở hữu. Vốn chủ sở hữu chỉ được ghi nhận khi các cổ đông đã góp vào doanh nghiệp, nếu ghi trước khi đóng thì sẽ không cân đối được tài sản và nguồn vốn trong bảng cân đối kế toán và điều này không liên quan đến việc trở thành chủ công ty hay chủ nợ của công ty."

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2011

Lễ Vu lan: Nhớ ơn cha mẹ

 Rất nhiều bạn trẻ đã thắc mắc rằng: Sao trong dip rằm tháng 7 có những hoat động giống ngày Mother's day - Ngày lễ của mẹ? Dân trí xin giới thiệu bài viết này:

Tháng bảy là tháng mưa ngâu với tục truyền về mối tình oan trái. Tháng bảy cũng là tháng có ngày lễ Vu Lan- Ngày xá tội vong nhân, tha thứ tội lỗi để những linh hồn dưới cõi âm được siêu thoát về nơi cực lạc.

Có lẽ ai cũng biết sự tích về ngày lễ này, nhưng nhắc lại một chút chắc không thừa. Theo kinh Vu Lan thì ngày xưa, Mục Kiền Liên đã tu luyện được nhiều phép thần thông. Mẫu thân ông là bà Thanh Đề đã qua đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ ra sao nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm. Thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sinh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Nhưng do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình để tránh không cho các cô hồn khác đến tranh cướp. Vì vậy khi bát đưa lên miệng, thức ăn đã hóa thành lửa đỏ.

Niềm hạnh phúc khi còn có mẹ (nguồn ảnh: internet)

Mục Kiền Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: "Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó". Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Kiền Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp). Từ đó ngày lễ Vu Lan ra đời.

Cũng trong lễ này, người Việt ta có một "quy ước": nếu ai đó còn mẹ sẽ được cài một bông hoa màu hồng lên áo. Ai đã mất mẹ thì cài hoa trắng. Người cài hoa trắng sẽ thấy như một sự nhắc nhở, sẻ chia, không bao giờ quên ơn cha mẹ. Người được hoa hồng sẽ sung sướng vì biết rằng mình còn có mẹ.

Ngày lễ Vu Lan bởi thế không chỉ có ý nghĩa là ngày cúng lễ tưởng nhớ ông bà tổ tiên, cúng cho các vong hồn cô quạnh mà sâu xa hơn, nó nhắc nhở người ta biết trân trọng những gì mình đang có: cha mẹ, gia đình, người thân.
Nghĩ về cái chết, cõi chết để làm những điều tốt đẹp hơn cho sự sống, cõi sống. Dù là những việc nhỏ bé nhất.
Và sau cùng, thay cho lời kết, xin mượn những lời thiết tha trong bài ca “Bông hồng cài áo” của Phạm Thế Mỹ:

“…Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó anh.
Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó em.
Thì xin anh, thì xin em,
Hãy cùng tôi vui sướng đi!
Hãy cùng tôi vui sướng đi…”
Tạ Thị Vân
LTS Dân trí- Nhân dân ta có phong tục cúng lễ hằng năm vào Ngày rằm tháng 7 âm lịch, coi ngày này là “ngày xá tội vong nhân”. Cũng nhiều người biết đây cũng là ngày lễ Vu Lan – ngày báo hiếu cha mẹ, nói lên lòng biết ơn đối với các bậc sinh thành ra mình.

Bài viết trên đây giúp mọi người hiểu thêm sự tích và ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan. Câu chuyện có vẻ huyền bí nhưng hàm chứa ý nghĩa nhân văn sâu xa.