Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

Sự thật về chuyện Việt Nam 'mất thác Bản Giốc'

"Thác Bản Giốc được xác định đúng tinh thần luật pháp, thông lệ quốc tế và Hiệp ước Pháp- Thanh. Không ai có quyền tự mình duyệt phương án đàm phán giải quyết khu vực này"- Đó là khẳng định của TS Trần Công Trục khi nói về vấn đề này.



Trước những quan điểm lệch lạc về việc cắm mốc biên giới thác Bản Giốc, PV Infonet đã có cuộc phỏng vấn với TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ, người đã tham gia đàm phán về biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc về vấn đề này.

- Thưa ông, mới đây Bộ Thông tin và Truyền thông đã khánh thành Cụm thông tin đối ngoại tại thác Bản Giốc. Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Cao Bằng, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trần Đức Lai cũng bày tỏ mong muốn các ngành, các cấp cần nói rõ hơn về sự kiện cắm mốc biên giới tại khu vực thác Bản Giốc. Ông đánh giá gì về sự kiện này?

- Tôi có theo dõi và được biết Bộ Thông tin và Truyền thông đã có đoàn công tác do Thứ trưởng Trần Đức Lai dẫn đầu lên khánh thành Cụm Thông tin đối ngoại thác Bản Giốc và cũng có buổi làm việc với UBND tỉnh Cao Bằng. Trong quá trình công tác làm việc, đoàn công tác cũng đã có tìm hiểu và trao đổi về thác Bản Giốc, trong đó có vấn đề sự kiện cắm mốc biên giới.

Việc Bộ Thông tin và Truyền thông khánh thành Cụm thông tin đối ngoại là một hoạt động rất được dư luận quan tâm và đánh giá cao. Bởi vì, Cụm thông tin đối ngoại tại khu vực thác Bản Giốc là một trong những dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo. Việc có những dự án như thế này là việc làm hết sức cần thiết nhằm khỏa lấp sự thiếu hụt về thông tin dẫn đến có những hiểu biết không chính xác về chính sách của Đảng và Nhà nước. Sự hiểu biết đầy đủ chính xác góp phần ổn định biên giới, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

- Được biết ông là Phó đoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới trên bộ Việt Nam- Trung Quốc, ông có thể nói về quá trình đàm phán khu vực này được không?

- Vâng, để giúp các bạn có thêm thông tin về vấn đề rất nhạy cảm và rất phức tạp này, tước hết, tôi xin cung cấp một số thông tin có liên quan đến quá trình quản lý biên giới đất liền Việt- Trung :

1. Từ cuối thế kỷ XIX trở về trước: Biên giới truyền thống- Biên cương, cương vực-chưa có đường biên giới được hoạch định, phân giới cắm mốc chính thức.

- Việc thiết lập các quan ải và hệ thống đồn trại là biện pháp cơ bản trong việc tăng cường công tác bảo vệ quản lý cương vực.

- Chính quyền Trung ương trực tiếp chỉ đạo công tác quản lý biên cương.

- Lấy việc giữ đất, yên dân, ngăn chặn đẩy lùi bọn xâm lấn làm mục tiêu chính, tránh khiêu khích gây hấn với bên ngoài biên ải.

- Xây dựng lực lượng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ khu vực biên cương.

2. Từ thế kỷ thứ XIX :

- Năm 1858 Pháp xâm lược VN. Tháng 6 năm 1884, Hiệp ước Patennotre (Pháp bảo hộ cho An Nam), Pháp bảo hộ VN, đại diện VN trong quan hệ quốc tế, ký Công ước hoạch định biên giới giữa Bắc kỳ và 3 tỉnh Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông (26-6-1887) và Công ước bổ sung Công ước 1887 ngày 20-6-1895, cắm được 314 mốc.

3. Từ sau năm 1950:

Từ những năm 50 trở lại đây, tuy quan hệ Việt - Trung có những thăng trầm, nhưng dưới sự lãnh đạo của 2 ĐCS, hai nước đã có những hợp tác để giải quyết vấn đề biên giới như: ngày 2-11-1957, hai Đảng đã có thoả thuận vấn đề quốc giới là vấn đề quan trọng cần giải quyết theo nguyên tắc pháp lý đương có hoặc được xác định lại do chính phủ 2 nước quyết định, nhất thiết cấm các nhà chức trách và đoàn thể địa phương thương lượng với nhau để cắm lại mốc giới và cắt nhượng đất cho nhau.

Năm 1973, các cuộc đàm phán về biên giới hai nước được tiến hành:

Cuối năm 1974 đàm phán lần 1 về Vịnh Bắc Bộ không đạt được kết quả gì. Từ tháng 10-1977 đến tháng 6-1978 đàm phán lần 2 không đi đến thoả thuận nào. Tình hình biên giới trên thực địa căng thẳng.

Đàm phán lần 3: vòng 1 tại Hà nội (18-4-1979 đến 18-5-1979); vòng 2 tại Bắc Kinh, từ 25 -6-1979 đến 6-3-1980 chủ yếu bàn các biện pháp bảo đảm hoà bình trên vùng biên giới.

Từ năm 1990, khôi phục quan hệ, từ 7-11-1991 đến 10-11-1991 ký hiệp định tạm thời về việc giải quyết công việc trên vùng biên giới: quản lý biên giới theo tình hình thực tế; thẩm quyền giải quyết biên giới cấp chính phủ; giữ mốc biên giới.

Từ năm 1992, đàm phán lần thứ 4 diễn ra: ngày 19-10-1993 ký thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa 2 nước. Trong thỏa thuận này, hai bên đã nhất trí mở ra 4 diễn đàn đàm phán về biên giới lãnh thổ (3 cấp chuyên viên và 1 cấp chính phủ) và đặc biệt đã thống nhất được căn cứ pháp lý để đàm phán là: “Hai bên đồng ý căn cứ vào Công ước hoạch định biên giới ký giữa Pháp và TRUNG QUốC ngày 26-6-1887 và Công ước bổ sung Công ước hoạch định biên giới 20-6-1895, cùng các văn kiện và bản đồ hoạch định, cắm mốc kèm theo đã được Công ước và Công ước bổ sung nói trên xác nhận hoặc quy định; đối chiếu xác định lại toàn bộ đường biên giới trên đất liền giữa VN và TRUNG QUỐC…”

Như vậy, mọi tư liệu lịch sử, bản đồ, sách giáo khoa, thậm chí cả các tài liệu chính thức đã xuất bản trước thời điểm này, nếu không được xác nhận là một bộ phận của Công ước nói trên đều không có giá trị dùng làm căn cứ để xác định hướng đi của đường biên giới trong quá trình đàm phán lần này.

Thực hiện Thỏa thuận nói trên, từ tháng 2/1994 đến tháng 12/1999, đã họp 6 vòng cấp chính phủ, 16 vòng nhóm công tác liên hợp, 3 vòng nhóm soạn thảo Hiệp ước.

Tại vòng 2 (7.1994) nhóm công tác đã trao bản đồ chủ trương, qua đối chiếu có 870km/1360km đường biên giới trùng nhau (67%), 436km/1360km, 289 khu vực không trùng nhau với tổng diện tích 236,1km2 trong đó có 74 khu vực loại A (1,87km2) kỹ thuật vẽ chồng lấn nhau, 51 khu vực loại B (3,062km2) không vẽ tới, 164 khu vực loại C do quan điểm 2 bên khác nhau, trong đó có một số khu vực tranh chấp trên thực địa.

Đàm phán cấp Chính phủ vòng 6 (25-28 tháng 9 năm 1998) thống nhất phân khu vực C thành 3 loại: khu vực Công ước đã quy định rõ ràng, khu vực một bên quản lý quá hoặc vạch quá đường biên giới, khu vực Công ước không quy định rõ ràng để xử lý theo nguyên tắc đã thỏa thuận, chẳng hạn:

- Nguyên tắc các bên trao đổi vô điều kiện cho nhau những vùng đất quản lý quá đường biên giới: “Sau khi 2 bên đối chiếu xác định lại đường biên giới, phàm những vùng do bất kỳ bên nào quản lý quá đường biên giới về nguyên tắc cần trả lại cho bên kia không điều kiện” (Phần II, điểm 3, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa CHXHCN Việt Nam và CHND Trung Hoa, ngày 19 tháng 10 năm 1993).

- Nguyên tắc giải quyết đường biên giới trên sông suối: “Đối với những đoạn biên giới đi theo sông, suối, hai bên đồng ý sẽ tính đến mọi tình hình và tham khảo tập quán quốc tế, thông qua thương lượng hữu nghị để giải quyết” (Phần II, điểm 4, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới Việt – Trung ngày 19 tháng 10 năm 1993).

Tại vòng V đàm phán cấp chính phủ, hai bên đã đạt được thỏa thuận về nguyên tắc giải quyết đường biên giới trên sông suối giữa 2 nước: đối với những đoạn biên giới đã được Công ước 1887, 1895 xác định rõ ràng thì căn cứ vào các quy định của Công ước để xác định biên giới, cũng như sự quy thuộc các cồn bãi trên sông suối biên giới; đối với những đoạn biên giới theo sông suối chưa được Công ước xác định rõ ràng thì 2 bên sẽ áp dụng nguyên tắc phổ biến của Luật pháp và Tập quán quốc tế để xác định:

- Trên các đoạn sông, suối tàu thuyền đi lại được, đường biên giới sẽ đi theo trung tâm luồng chính tàu thuyền chạy.

- Trên các đoạn sông suối tàu thuyền không đi lại được, đường biên giới sẽ đi theo tung tâm của dòng chảy hoặc dòng chính.

Sau 16 vòng đàm phán cấp chuyên viên, 6 vòng cấp chính phủ, hai bên đã giải quyết xong các khu vực khác nhau giữa 2 đường biên giới chủ trương của 2 nước. Từ tháng 2/1994 đến tháng 12/1999, đã họp 6 vòng cấp chính phủ, 16 vòng nhóm công tác liên hợp, 3 vòng nhóm soạn thảo Hiệp ước.

Kết quả đàm phán là phù hợp với các nguyên tắc cơ bản đã thoả thuận, đã giải quyết được toàn bộ khu vực có nhận thức khác nhau, các khu vực nhạy cảm cũng đã được giải quyết thoả đáng trên cơ sở có tính đến sự quan tâm của cả hai bên đối với các yếu tố có liên quan. Hiệp ước đã khẳng định trên thực tế nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia, là sự kiện trọng đại đối với nước ta cũng như quan hệ Việt Nam-Trung Quốc và đối với khu vực.

Trở lại khu vực thác Bản Giốc: Đây là 1 trong 164 khu vực loại C, những khu vực có nhận thức khác nhau về hướng đi của đường biên giới mà hai bên phải cùng nhau giải quyết theo những nguyên tắc nói trên.

Khu vực thác Bản Giốc là 1 tong 4 khu vực C cuối cùng còn lại cần được xử lý để hoàn thiện nội dung Hiệp ước hoạch định biên giới mới. Khu vực này được xác định là khu vực đường biên giới đi theo sông suối tàu thuyền không đi lại được mà Công ước Pháp - Thanh 1887, 1895 chưa quy định rõ ràng, nên sẽ áp dụng nguyên tắc đã được thỏa thuận tại vòng V đàm phán cấp chính phủ nói trên.

Tuy nhiên, cũng cần nói rõ khu vực đường biên giới đi theo sông suối mà hai bên có nhận thức khác nhau do Công ước 1887, 1895 không quy định rõ ràng ở đây cụ thể là như thế nào, ở ngay tại khu vực thác hay ở thượng nguồn thác?

Đối chiếu với nội dung của Công ước Pháp-Thanh 1887, 1895 và căn cứ vào nhận thức về hướng đi của đường biên giới mà hai bên đã thể hiện trên bản đồ “đường biên giới chủ trương” thì nhận thức khác nhau không phải là ở ngay khu vực thác chính mà là ở khu vực thượng nguồn của thác. Bởi vì, theo Công ước Pháp - Thanh 1885, 1895, thì đường biên giới được mô tả là đi giữa dòng sông Quây Sơn lên đến đỉnh thác (thác Bản Giốc là bộ phận của dòng sông Quây Sơn). Rồi từ điểm giữa đỉnh thác, đường biên giới kéo thẳng về cột mốc số 53.

Căn cứ vào mô tả đó, hai bên đã thể hiện đường biên giới chủ trương trên bản đồ mà 2 bên lựa chọn. Sau khi trao đổi bản đồ “biên giới chủ tương”, 2 bên đã đối chiếu 2 đường chủ trương do 2 bên thể hiện, khu vực từ giữa đỉnh thác chính xuống sông Quây Sơn, đường biên giới hoàn toàn trùng nhau.

Như vậy khu vực từ đỉnh thác Bản Giốc trở xuống không có sự tranh chấp, không có sự nhận thức khác nhau. Chỉ có từ giữa đỉnh thác chính nối đến mốc 53( mốc 53 nằm dưới chân một quả đồi, bên cạnh con đường mòn) là có nhận thức khác nhau, vì Công ước Pháp-Thanh 1887, 1895 không mô tả chi tiết về sự tồn tại của một doi đất, gọi là cồn Pò Thoong, được bao bọc bởi 2 dòng chảy đổ về thác chính. Chính vì vậy tranh chấp khu vực thác Bản Giốc thực chất là tranh chấp ở phía thượng nguồn của thác, chứ không phải tranh chấp ở ngay đỉnh thác đổ xuống sông Quây Sơn.

Trong thực tế quản lý, phía ta và Trung Quốc đã từng có những xung đột, tranh chấp ở khu vực thượng nguồn này. Vì vậy, khi đàm phán hai bên đã thảo luận rất kỹ, có lúc rất căng thẳng. Cho nên, đây là khu vực tồn tại đến cuối cùng mới giải quyết theo nguyên tắc đã nêu trên. Căn cứ vào nguyên tắc này, Ủy ban liên hiệp về phân giới cắm mốc đã xác định dòng chảy chính nằm ở phía Việt Nam.

Theo nguyên tắc đã thỏa thuận, đường biên giới nằm giữa dòng chảy chính đó, về mặt pháp lý, toàn bộ Cồn Pò Thoong thuộc về Trung Quốc. Nhưng đây là khu vực rất nhạy cảm và đã có hoạt động trong thực tế của ta và Trung Quốc, do đó 2 bên đã có tính đến quan tâm và lợi ích của nhau, tính đến một giải pháp tổng thể đảm bảo tính công bằng, hợp lý cho cả 2 bên. Cuối cùng, hai bên thống nhất xác định đường biên giới đi qua cồn Pò Thoong và dành cho Việt Nam ¼ và Trung Quốc ¾ Cồn Pò Thoong. Có nghĩa là đường đi qua vị trí trạm thủy lợi vì nó đảm bảo sự quan tâm của Việt Nam và cũng như thực tế quản lý ở đây.

- Vậy khu vực này được đàm phán trong bao lâu, thưa ông?

- Như tôi đã nói, đây là 1 trong 4 khu vực còn lại cuối cùng trước khi ký kết Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1999. Có thể nói là đã kéo dài từ khi bắt đầu đàm phán năm 1993 cho đến khi kết thúc công tác phân giới cắm mốc ngày 31 tháng 12 năm 2008, cả thảy là 15 năm.

Điều này cũng cho thấy những người đàm phán đã rất thận trọng, nghiêm túc khi nghiên cứu đề xuất các phương án giải quyết khu vực nhạy cảm này. Phương án đàm phán trước khi báo lãnh đạo cao nhất của nhà nước thông qua thì nhất thiết phải có ý kiến đồng ý của các Bộ, ngành có liên quan, đặc biệt là ý kiến nhất trí của các cấp chính quyền sở tại. Không ai có quyền tự mình duyệt phương án đàm phán giải quyết khu vực này.

- Theo ông, còn yếu tố nào có thể gây nhầm lẫn cho người dân nếu không hiểu đầy đủ?

- Vấn đề khác, mặc dù đường biên giới đi qua sông suối, ở đoạn đã rõ thì theo Công ước, đoạn chưa rõ theo nguyên tắc đã thỏa thuận. Tuy nhiên có một điểm rất quan trọng mà chúng ta nên lưu ý là: Hai bên còn có thỏa thuận sẽ có hiệp định, nghị định thư về việc khai thác, sử dụng sông suối biên giới. Như chúng ta đã biết, mặc dù biên giới đã được xác định rất rõ theo các nguyên tắc pháp lý, nhưng nguồn nước là chung, cảnh quan là chung, đều có liên quan mật thiết với nhau không thể có bất kỳ công trình nhân tạo nào được dựng lên để ngăn cách chúng.

Thực tiễn quốc tế cũng thế, các nước đã ký hiệp ước về biên giới trên sông suối, nhưng cũng đều ký thỏa thuận cùng hợp tác khai thác chung khu vực sông suối biên giới đó. Việc 2 bên đàm phán khai thác dòng nước sông Quây Sơn, khu vực thác Bản Giốc cũng là điều hết sức phù hợp với thông lệ quốc tế và phù hợp với lợi ích của đôi bên. Tất nhiên cũng phải tính đến các yếu tố kinh tế, kỹ thuật… để phân chia lợi ích một cách công bằng, tôn trọng lẫn nhau, đôi bên cùng có lợi, không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn cả vấn đề quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia…

Bộ Thông tin Truyền thông đã sớm khánh thành Cụm thông tin truyền thông đối ngoại ở khu vực thác Bản Giốc vừa qua là một sự đóng góp rất có ý nghĩa của Việt Nam nhằm triển khai thỏa thuận có giá trị thực tiễn và rất có ý nghĩa pháp lý, ý nghĩa chính trị có tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Đồng thời cũng là kênh thông tin để giải thích về nguyên tắc đường biên giới trên sông suối là đường biên giới mềm, 2 bên có thể qua lại sử dụng chung dòng nước đó.

- Xin cảm ơn ông!


Theo INFONET

BÌNH LUẬN VỀ VIỆC VI HIẾN CỦA DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI

LS. TRƯƠNG THANH ĐỨC – Trọng tài viên VIAC




Với khung khổ pháp lý méo mó và rối ren như hiện trạng, thì khen rằng Dự thảo Luật Đất đai năm 2013 là tốt cũng đúng, mà chê là dở thì cũng không sai. Đã góp ý từ tổng thể đến chi ly mọi thứ nhiều rồi, nay tôi cũng chẳng muốn nhắc lại, mà chỉ đưa ra một bình luận mới nhất: Các Luật Đất đai đều trái Hiến pháp. Tuy nhiên, đây chủ yếu là một cách thức bày tỏ và góp ý, chứ không hẳn là muốn nhằm tới khẳng định vi hiến.

1. Về quyền sở hữu đất đai:

Hiến pháp năm 1959 đang có hiệu lực, quy định đất đai thuộc sở hữu tư nhân, bỗng dưng Quyết định số 201/HĐCP-QĐ ngày 01-7-1980 của Hội đồng Chính phủ về việc Thống nhất quản lý ruộng đất và tăng cường công tác quản lý ruộng đất trong cả nước tuyên bố thuộc sở hữu Nhà nước: “Không được phát canh thu tô, cho thuê, cầm cố hoặc bán nhượng đất dưới bất cứ hình thức nào”

Hiến pháp không quy định đất đai thuộc sở hữu của Nhà nước, mà là sở hữu toàn dân. Vậy thì tất cả mọi người dân đều phải có quyền sở hữu chung, không theo phần thì cũng hợp nhất. Sở hữu chung giữa nhân dân với Nhà nước. Vậy sao Luật Đất đai lại tước đoạt quyền sở hữu của nhân dân, mà chỉ công nhận sở hữu của Nhà nước, chỉ trao quyền sử dụng cho nhân dân?

Nhân dân phải có quyền sở hữu đối với đất đai, tương tự như sở hữu cổ phiếu trong công ty cổ phần. Cổ phiếu là tài sản của công ty, nhưng đồng thời cũng thuộc sở hữu của cổ đông. Vì vậy, cổ đông có quyền chuyển nhượng, cầm cố,…

Nếu không thừa nhận sở hữu toàn dân là sở hữu chung giữa Nhà nước với nhân dân như lý giải trên, thì Hiến pháp đã trái với ý chí, nguyện vọng của nhân dân, Hiến pháp trái quy luật. Ruộng đất đang thuộc sở hữu của ông cha tự ngàn đời, tự dưng xưng xưng tuyên bố là của Nhà nước. Quyền sở hữu không còn là thiêng liêng, mà là chung chiêng, không còn là bất khả xâm phạm mà là tha hồ xâm phạm.

Bên cạnh sở hữu Nhà nước về đất đai, công nhận thêm sở hữu cá nhân và pháp nhân về đất đai chỉ có tốt hơn, tạo thêm động lực cho phát triển, đáp ứng được nguyện vọng cháy bỏng của con người. Chế độ công hữu độc nhất về đất đai như một vết rạch hằn sâu vào bức tranh kinh tế đa sở hữu, như một giới tuyến định mệnh chia cắt sự đồng bộ tất yếu. Công nhận nền kinh tế thị trường, giá đất theo thị trường, việc giao đất, thu hồi đất cũng chủ yếu nhằm đáp ứng yêu cẩu của thị trường, nhưng riêng sở hữu thì lại không theo thị trường là một sự lẩn tránh. Dù có công nhận quyền sử dụng đất là tài sản, nhưng thực chất thì chỉ như một quyền phái sinh của tài sản, tức là người dân và doanh nghiệp chỉ được sử dụng sản phẩm phái sinh.

Với các quyền chuyển nhượng, chuyển đổi, góp vốn, thế chấp, thừa kế,… của người sử dụng đất, đặc biệt là đất ở, đã rất gần với quyền sở hữu tư nhân. Tuy nhiên, có sự khác nhau cơ bản và ghê gớm giữa chủ sở hữu với những người còn lại, cũng giống như giữa người làm chủ với người làm thuê. Chẳng hạn cho thuê thì được, nhưng cho mượn quyền sử dụng đất thì lại bị coi là không được, chỉ vì pháp luật không đề cập đến quyền cho mượn đất. Cũng mảnh đất đó, nếu là của chủ sở hữu thì đó là quyền đương nhiên không cần phải bàn cãi. Chỉ còn nhấn thêm một gang tấc nữa là đạt tới sự trọn vẹn, đúng với quy luật kinh tế và ước nguyện tự ngàn đời, so với điều khác đi mới chỉ xuất hiện hơn 30 năm nay.

Cả dự thảo Hiến pháp năm 1992, 2013 cũng như Luật đất đai đã buộc phải vi phạm một trong những quy luật lô gic cơ bản, đó là đánh tráo khái niệm quyền sở hữu với quyền sử dụng. Người sử dụng đất có tất cả các quyền của chủ sở hữu.

Người đời đã từng đúc kết rằng, thời hạn để sửa chữa một quy định sai lầm ít nhất phải bằng với thời hạn đã thực hiện nó. Vậy chúng ta sẽ mất một phần ba hay mấy phần của thế kỷ để sửa chữa điều này?

2. Về các quyền của người sử dụng đất:


Dựa trên Hiến pháp năm 1980 quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân (Điều 19), Luật Đất đai năm 1987 quy định nghiêm cấm việc mua, bán đất đai (Điều 5). Hiến pháp năm 1992 tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân (Điều 17) tương tự như Hiến pháp năm 1980. Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 1993 lại diễn giải hoàn toàn khác với Luật Đất đai năm 1987. Đó là quy định cho người sử dụng đất có 5 quyền, chẳng khác gì quyền của chủ sở hữu là “Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp quyền sử dụng đất.” (Điều 3). Sau này tăng thêm cho thuê lại, quyền tặng cho, góp vốn, được bồi thường,… Mặc dù Hiến pháp năm 1992 có bổ sung quy định tổ chức và cá nhân “được chuyển quyền sử dụng đất được Nhà nước giao theo quy định của pháp luật.” nhưng cũng không thể tự chuyển một số quyền khác của chủ sở hữu sang cho chủ sử dụng, như là quyền cho thuê, thừa kế, thế chấp. Rồi vẫn Hiến pháp đấy, nhưng đến Luật sửa đổi, bổ sung năm 1998 và 2001 thì, ngoài quyền của hộ gia đình, cá nhân, lại mở rộng thêm quyền của tổ chức.

Nếu lý luận rằng, Hiến pháp cho quyền chuyển nhượng, thì sẽ quyền thế chấp sẽ phái sinh theo, thì Luật Đất đai năm 2003 hiện hành lại trái với Hiến pháp vì quy định: Hộ gia đình và cá nhân chỉ được thế chấp đất tại tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân “để vay vốn sản xuất, kinh doanh” (Điều 113), tức là tuy được chuyển nhượng, nhưng lại không được thế chấp ngay cả đất ở để phục vụ đời sống (như học tập, xây nhà ở hay trị bệnh cứu người) [1]

Như vậy, cùng dựa trên một tiền đề của Hiến pháp là, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, mà các Luật Đất đai lại quy định khác nhau một trời một vực như thế, thì phải có Luật vi Hiến, không luật mới thì luật cũ, chứ không thể cùng hợp Hiến.

3. Về việc thu hồi đất đai:


Đất hay quyền sử dụng đất cũng đều là tài sản. Xét về khía cạnh pháp lý, việc thu hồi quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai, đặc biệt là các trường hợp gắn liền với nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, rất gần với thuật ngữ "trưng mua" tài sản trong Hiến pháp năm 1992 (Điều 23) hay Dự thảo Hiến pháp năm 2013 (Điều ). Cuốn Sổ tay thuật ngữ pháp lý thông dụng năm 1996, sau khi giải thích về từ trưng mua, đã đưa ra ví dụ như sau: "Công dân A có nhà hợp pháp sát mặt đường phố, do quy hoạch mở rọng đường vào nhà công dân A, Nhà nước phải trưng mua nhà, đất của công dân A".

Tuy nhiên, Luật Đất đai lại không sử dụng từ "trưng mua", mà lại quy định thu hồi. Thu hồi thực chất là một dạng trưng thu có bồi hoàn một phần. Như vậy việc thu hồi là phù hợp với Hiến pháp 1980 nhưng trái với Hiến pháp hiện hành, đã xoá bỏ khái niệm trưng thu.

Vì vậy việc mở rộng trường hợp thu hồi đất đai nói chung, để thực hiện “các dự án phát triền kinh tế – xã hội” nói riêng là trái với Hiến pháp. Quy định như vậy thì người sử dụng đất có thể bị thu hồi đất trong mọi trường hợp, vì có dự án nào ngoài mục đích an ninh, quốc phòng công cộng mà lại ngoài cả mục đích kinh tế hoặc xã hội?
------------------------

[1] Mặc dù đã được quy định cho phép trước đó trong Luật Đất đai năm 1987 và Bộ luật Dân sự năm 1995.