Thứ Năm, 9 tháng 6, 2011

MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI NĂM 2010

Luật Trọng tài Thương mại (TTTM) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VII kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17/6/2010, có hiệu lực từ ngày 01/01/2011, thay thế cho Pháp lệnh Trọng tài Thương mại (PLTTTM) năm 2003. Với 13 chương, 82 điều, Luật TTTM đã thể chế hoá một cách đồng bộ cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trong tài ở nước ta trên cơ sở kế thừa các quy định của PLTTTM. Bên cạnh đó, so với PLTTTM, Luật TTTM có nhiều quy định mới nhằm đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn và yêu cầu hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp thương mại hiện nay. Sau đây là những điểm mới đáng chú ý của Luật Trọng tài Thương mại năm 2010:

1. Về Thẩm quyền giải quyết tranh chấp.

Đây là điểm mới đầu tiên là Luật TTTM. Theo đó, Luật TTTM đã mở rộng thẩm quyền giải quyết các tranh chấp thương mại của Trọng tài đối với nhiều loại tranh chấp liên quan đến quyền và lợi ích của các bên (Điều 2 Luật TTTM). Đây là một trong những điểm mới quan trọng nhất của Luật TTTM so với PLTTTM và phù hợp với thực tiễn sử dụng Trọng tài của các nước trên thế giới.

2. Về thỏa thuận trọng tài.

Luật TTTM mới cũng đã khắc phục được sự không rõ ràng của Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003 về các trường hợp vô hiệu thoả thuận trọng tài. Điều 18 Luật TTTM giới hạn 6 trường hợp theo đó thoả thuận trọng tài vô hiệu với những quy định cụ thể và rõ ràng hơn so với những quy định tại Điều 10 của PLTTTM. Luật TTTM còn quy định trường hợp thỏa thuận trọng tài không rõ ràng thì bên khởi kiện (nguyên đơn) có quyền được tự do lựa chọn tổ chức trọng tài thích hợp để khởi kiện nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình (khoản 5 Điều 43 Luật TTTM). Quy định này sẽ hạn chế tình trạng thỏa thuận trọng tài bị vô hiệu hoặc không xác định được cơ quan nào giải quyết tranh chấp.

3. Quy định bảo vệ người tiêu dùng

Một điểm mới đáng chú ý khác là tại Điều 17 của Luật TTTM đã bổ sung quy định nhằm bảo vệ người tiêu dùng trong việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp, theo đó “Đối với các tranh chấp giữa nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng, mặc dù điều khoản trọng tài đã được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hoá, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn thỏa thuận trọng tài thì người tiêu dùng vẫn được quyền lựa chọn Trọng tài hoặc Tòa án để giải quyết tranh chấp. Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ chỉ được quyền khởi kiện tại Trọng tài nếu được người tiêu dùng chấp thuận”. Quy định này thể hiện rõ thái độ bảo vệ người tiêu dùng trong trường hợp người tiêu dùng bị đặt vào thế bị động trong các giao dịch dựa trên những hợp đồng in sẵn từ phía nhà cung cấp dịch vụ, đồng thời nó cũng là biện pháp để hạn chế những phương thức giải quyết tranh chấp không có lợi cho khách hàng thường hay bị người cung cấp dịch vụ cài sẵn trong các hợp đồng và ép buộc bên sử dụng dịch vụ phải chấp nhận.

4. Tiêu chuẩn trọng tài viên.

Luật TTTM cũng đã kế thừa và quy định rõ hơn tiêu chuẩn trọng tài viên so với PLTTTM. Điều 20 Luật TTTM có quy định rõ cá nhân có năng lực hành vi dân sự, có trình độ đại học trở lên và đã qua thực tế công tác từ năm năm trở lên có thể là trọng tài viên. Đặc biệt, Luật dành cho các Trung tâm trọng tài quyền được đưa ra các tiêu chuẩn cao hơn đối với các Trọng tài viên trong danh sách của mình (khoản 3, Điều 20). Trong trường hợp đặc biệt, các bên đương sự có thể lựa chọn dựa trên niềm tin của họ vào tính chuyên nghiệp, kiến thức chuyên môn, uy tín của cá nhân đó và trong trường hợp đó thì nhà chuyên môn nào cũng có thể được các bên chọn làm Trọng tài cho vụ việc của họ (khoản 1, điểm c, Điều 20). Luật TTTM 2010 cũng không yêu cầu Trọng tài viên phải có quốc tịch Việt Nam. Điều đó có nghĩa là người nước ngoài cũng có thể được chỉ định làm trọng tài viên ở Việt Nam nếu các bên tranh chấp hoặc tổ chức trọng tài tín nhiệm họ. Quy định này đáp ứng nhu cầu thực tế trong giai đoạn Việt Nam tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế.

5. Về tố tụng trọng tài

Luật TTTM cũng bổ sung quy định về quy tắc tố tụng trọng tài, theo đó, các Trung tâm trọng tài được ban hành quy tắc tố tụng trọng tài phù hợp với quy định của Luật và đảm bảo đặc thù của mỗi Trung tâm để tăng thêm tính hấp dẫn đối với các bên tranh chấp (khoản 1 Điều 28). Các Trung tâm trọng tài nước ngoài cũng được phép mở chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Luật đã dành toàn bộ chương XII để quy định về chức năng, các điều kiện và phạm vi hoạt động của các Trung tâm Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam. Đây là bước chuẩn bị và là sự hỗ trợ kịp thời để hoạt động của Trọng tài ở Việt Nam hội nhập với quốc tế. Đồng thời, điều này cũng mang lại sự cạnh tranh lành mạnh giữa các trung tâm trọng tài và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có nhiều lựa chọn hơn khi cần tới sự trợ giúp từ các Trung tâm trọng tài.

Nhằm giúp cho cơ chế tố tụng trọng tài vận hành có hiệu quả hơn, Luật TTTM 2010 đã cho phép Hội đồng Trọng tài được thu thập chứng cứ, triệu tập nhân chứng, áp dụng một số biện pháp khẩn cấp tạm thời (quy định tại Điều 47, 48, 49 và 50). Quy định này là sự tiếp thu những quy định mẫu của UNCITRAL được thông qua 2006. Điều này cũng thể hiện sự tiếp thu và từng bước điều chỉnh của cơ quan lập pháp Việt Nam để các quy định trọng tài thương mại Việt Nam hội nhập với các thông lệ quốc tế.

Luật TTTM đã tiếp nhận nguyên tắc cấm hành vi mâu thuẫn trong tố tụng, một nguyên tắc rất quan trọng đã hình thành lâu đời trong pháp luật tố tụng của các nước phát triển. Điều 13 Luật TTTM quy định, khi một bên nhận thấy những quy định của Luật hoặc của thoả thuận trọng tài bị vi phạm mà vẫn tiếp tục thực hiện tố tụng trọng tài và không phản đối vi phạm đó trong thời hạn luật định thì mất quyền phản đối tại Trọng tài hoặc Toà án. Quy định này là nhằm ngăn chặn các hành vi cơ hội trong tố tụng trọng tài.

Một trong những điểm quan trọng nhất của Luật TTTM là đã thể hiện rõ nét mối quan hệ giữa Trọng tài với Toà án trong toàn bộ quá trình giải quyết vụ tranh chấp của các bên. Luật đã đưa ra một loạt các quy định mới nhằm xác định mối quan hệ pháp lý này: xác định rõ Tòa án có thẩm quyền đối với hoạt động trọng tài và liệt kê 8 nội dung thẩm quyền của Toà án trong quan hệ với Trọng tài bao gồm: thu thập chứng cứ, lưu giữ chứng cứ; đăng ký phán quyết trọng tài; tuyên thoả thuận trọng tài vô hiệu; xác định thẩm quyền của Hội đồng trọng tài; giải quyết và yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài; bảo đảm sự có mặt của người làm chứng; áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; chỉ định, thay đổi trọng tài viên. Quy định tại các điều luật khác liên quan đã cụ thể hoá nội dung những thẩm quyền này của Toà án. Quy định này đã khắc phục được những bất cập của Pháp lệnh TTTM, tạo điều kiện để các Tòa án và Hội đồng trọng tài cũng như các bên tranh chấp tránh được lúng túng trong các trường hợp cụ thể, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để trọng tài hoạt động có hiệu quả.

Có thể thấy rằng, trong Luật TTTM năm 2010, hầu hết các chuẩn mực của pháp luật trọng tài quốc tế đã được tiếp thu và vận dụng một cách linh hoạt cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Bởi vậy, Luật TTTM hứa hẹn sẽ trở thành một công cụ pháp lý hữu hiệu, góp phần thúc đẩy cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài phát triển mạnh ở Việt Nam.

Không có nhận xét nào: