Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

QUYỀN SỞ HỮU NHÃN HIỆU VÀ QUYỀN TÁC GIẢ

Giám đốc Công ty Ngôi Sao đề nghị cơ quan có thẩm quyền tỉnh Tiền Giang xử lý việc Công ty Hải Yến vi phạm quyền tác giả đối với logo do ông sáng tác.


Công ty Hải Yến trình bày rằng, chính Công ty Ngôi Sao xâm phạm quyền SHCN của mình. Lý do là trước đây, giám đốc hai Công ty Hải Yến và Ngôi Sao là vợ chồng, cùng gây dựng nên Công ty Hải Yến. Năm 2003, Công ty Hải Yến đăng ký lại nhãn hiệu Hải Yến cho sản phẩm cầu lông, dịch vụ thể thao... Năm 2005, Cục SHTT đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho Công ty Hải Yến. Cũng trong năm 2005, hai người này đã chia tay sau khi đã thỏa thuận phân chia tài sản. Một người sở hữu Công ty Hải Yến bao gồm nhãn hiệu, logo... và cả nợ nần của Công ty. Người kia lấy tiền mặt, xe và một phần bất động sản.

Sau ly hôn, người chồng thành lập Công ty Ngôi Sao và đăng ký thiết kế logo. Tháng 3.2008, Cục Bản quyền tác giả đã cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho người chồng, lúc này đã là giám đốc Công ty Ngôi Sao, công nhận ông là tác giả thiết kế mẫu logo. Logo này được xem là một tác phẩm mỹ thuật ứng dụng. Tuy nhiên, logo này lại tương tự như nhãn hiệu của Công ty Hải Yến.

Trên thực tế, nhãn hiệu mà Công ty Hải Yến đang sử dụng có khác đôi chút so với mẫu nhãn hiệu đăng ký độc quyền. Mẫu được sử dụng thực tế có thêm chữ Hải Yến nửa bên dưới và dòng chữ Công ty TNHH Thể thao chạy vòng tròn ở nửa trên, còn mẫu đăng ký ở Cục SHTT không có. Chính vì vậy mới nảy sinh tranh chấp.

Công ty Ngôi Sao cho rằng, nếu Công ty Hải Yến sử dụng đúng mẫu nhãn hiệu được bảo hộ thì không sai. Tuy nhiên, Công ty Hải Yến lại thêm thắt chi tiết khiến hình ảnh đó giống với tác phẩm của Công ty Ngôi Sao. Vì vậy, Công ty Ngôi Sao có cơ sở để yêu cầu xử lý.

Ban đầu cơ quan có thẩm quyền cho rằng, Công ty Hải Yến xâm phạm quyền của Công ty Ngôi Sao và dự kiến buộc tháo gỡ bảng hiệu. Sau đó, Cục Bản quyền tác giả đã có quyết định hủy bỏ giấy chứng nhận quyền tác giả đối với logo của Công ty Ngôi Sao. Lý do hủy là đã khai báo không trung thực trong hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận.

(Nguồn - Pháp luật online thành phố Hồ Chí Minh, ngày 17.6.2008; Diễn đàn Doanh nghiệp, ngày 16.5.2008)

Lời bình

1. Theo Luật SHTT, một biểu tượng, hình ảnh, logo... có thể được bảo hộ quyền SHCN dưới dạng nhãn hiệu hoặc được bảo hộ quyền tác giả dưới dạng tác phẩm mỹ thuật ứng dụng. Một mẫu thiết kế bao bì gói mì ăn liền, chai đựng nước, hộp đựng sản phẩm... có thể được bảo hộ như KDCN hoặc tác phẩm mỹ thuật ứng dụng. Dù bảo hộ dưới dạng nào cũng được độc quyền sử dụng hình ảnh, thiết kế đó trên bao bì, trên sản phẩm hoặc dùng trong quảng cáo.

Đối với đơn đăng ký nhãn hiệu, Cục SHTT phải thẩm định nội dung, xem xét dấu hiệu đó có khác biệt với những nhãn hiệu đã đăng ký trước đó hay không. Nếu có khả năng phân biệt, và đáp ứng các điều kiện khác theo quy định thì mới cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Trong khi đó, quy trình cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả không có khâu thẩm định nội dung, không tra cứu xem nội dung tác phẩm văn học, tác phẩm âm nhạc, tác phẩm mỹ thuật ứng dụng... có trùng hay có sao chép của ai hay không. Chỉ sau khi có sự khiếu nại, thì nội dung bên trong của tác phẩm mới được xem xét. Vì vậy, việc Cục Bản quyền tác giả cấp giấy chứng nhận cho giám đốc Công ty Ngôi Sao là đúng quy trình. Đó là lý do tại sao dấu hiệu của Công ty Hải Yến được bảo hộ nhãn hiệu sau đó lại có thể bảo hộ quyền tác giả.

2. Vấn đề ở đây là, sau khi dấu hiệu được bảo hộ là nhãn hiệu thì ai là người sẽ được cấp quyền tác giả cho dấu hiệu này. Nếu chủ sở hữu nhãn hiệu đồng thời là người tạo ra dấu hiệu này thì họ sẽ có quyền tác giả đối với sự sáng tạo ra dấu hiệu đó. Người khác sẽ không thể được công nhận quyền tác giả. Ngay cả trong trường hợp, nếu trước kia giám đốc Công ty Ngôi Sao đúng là người sáng tác mẫu nhãn hiệu cho Công ty Hải Yến thì có quyền đăng ký quyền tác giả đối với sản phẩm của mình. Tuy nhiên, chủ sở hữu vẫn là Công ty Hải Yến. Do đó, giám đốc Công ty Ngôi Sao hiện nay chỉ có một số quyền nhân thân như đặt tên, công bố, bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm... chứ không có quyền khai thác, sử dụng hay mua bán đối với nhãn hiệu trên.

Trong trường hợp nêu trên, khi phân chia tài sản, Công ty Hải Yến được sở hữu khối tài sản bao gồm nhãn hiệu, logo... và cả nợ nần. Người kia lấy tiền mặt, xe và một phần bất động sản. Do đó, Công ty Ngôi Sao không sở hữu dấu hiệu đã được bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu.

3. Vậy trong trường hợp này, văn bằng bảo hộ nào sẽ phải thu hồi, giấy chúng nhận đăng ký nhãn hiệu hay giấy chúng nhận quyền tác giả. Nếu so sánh về thời gian thì thời điểm nộp đơn đăng ký nhãn hiệu là tháng 6.2003 và đến tháng 6.2005 được cấp. Trong khi đó, Công ty Ngôi Sao được cấp giấy chứng nhận quyền tác giả vào tháng 3.2008. Như vậy, thời điểm xác lập quyền tác giả sau thời điểm nộp đơn đăng ký nhãn hiệu 5 năm và thời điểm được cấp văn bằng 3 năm.

Chính vì lý do này mà việc cấp giấy chứng nhận quyền tác giả không đáp ứng Điều 14.3 của Luật SHTT. Đó là tác phẩm không sao chép từ tác phẩm của người khác. Điều đó đã dẫn tới việc Cục Bản quyền tác giả huỷ văn bằng quyền tác giả đã xác lập cho giám đốc Công ty Ngôi Sao.

4. Ngay cả trong trường hợp Công ty Ngôi Sao không yêu cầu Công ty Hải Yến chấm dứt việc sử dụng nhãn hiệu, để nhãn hiệu Hải Yến và tác phẩm của Công ty Ngôi Sao cùng tồn tại, thì Công ty Hải Yến vẫn có quyền làm đơn yêu cầu Cục Bản quyền tác giả xem xét, hủy giấy đã cấp cho giám đốc Công ty Ngôi Sao. Nếu Công ty Ngôi Sao tiếp tục sử dụng các dấu hiệu đã được bảo hộ quyền tác giả thì đó sẽ là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu của Công ty Hải Yến đang được bảo hộ từ trước.

5. Vụ này lại chứng minh một điều là các doanh nghiệp phải coi các đối tượng SHTT là tài sản như các loại tài sản khác. Vì vậy phải tiến hành các thủ tục xác lập quyền sở hữu. Cần làm rõ ngay từ đầu quyền sở hữu thuộc về tổ chức hay cá nhân, xác định rõ quyền sở hữu và quyền tác giả. Đặc biệt khi xác định, phân chia tài sản khi chia tách, sáp nhập, tổ chức, cá nhân phải làm rõ tài sản SHTT thuộc về bên nào bằng văn bản. Ngay sau đó phải đăng ký việc thay đổi tên chủ văn bằng, địa chỉ của tổ chức /cá nhân với Cục SHTT.

Nguồn: http://www.tchdkh.org.vn/

Không có nhận xét nào: