Nhân đọc bài “Năm 2010 - buồn vui với công ty cổ phần” trên TBKTSG số ra ngày 30-12-2010.
Nguyễn Văn Quyết
"Theo tôi, phần về vốn điều lệ mà tác giả Trần Thanh Tùng cho rằng quy định trong khoản 4 điều 40 Nghị định 43/2010/NĐ-CP và được khẳng định trong điều 6 Nghị định 102/2010/NĐ-CP là trái với quy định trong Luật Doanh nghiệp, chỉ là quy định chi tiết và làm rõ khái niệm vốn điều lệ trong Luật Doanh nghiệp mà thôi.
Điều khác nhau cơ bản nhất là cổ đông trong công ty cổ phần chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp còn thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn sẽ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn cam kết góp vào doanh nghiệp.
Do đó, đối với công ty cổ phần, cần thiết phải quy định số vốn điều lệ là số vốn mà các cổ đông thực góp vào doanh nghiệp, không bao gồm giá trị của số cổ phần được quyền chào bán và đó là trách nhiệm của cổ đông đối với doanh nghiệp.
Nếu ghi nhận cả giá trị của số cổ phần được quyền chào bán thì xảy ra tình trạng công ty đăng ký số cổ phần được quyền chào bán cao, số vốn điều lệ là ảo. Khi đó các đối tác giao dịch sẽ dễ bị nhầm lẫn giữa vốn điều lệ (ảo) với quy mô vốn thực góp của doanh nghiệp.
Hơn nữa, khi họp đại hội đồng cổ đông, tổng số cổ đông tham dự là 100% nhưng tổng số cổ phần thực góp cũng chưa bằng vốn điều lệ, lúc đó sẽ phải ghi tỷ lệ biểu quyết như thế nào? Nếu ghi tỷ lệ là cả số cổ phần cam kết góp, thì mâu thuẫn với phạm vi trách nhiệm của cổ đông với doanh nghiệp, nếu ghi tỷ lệ là số cổ phần thực góp thì không đủ 100% vốn điều lệ. Do đó, quy định như Nghị định 43 và Nghị định 102 là hoàn toàn chính xác.
Đối với công ty cổ phần mới thành lập thì phải cho phép ghi nhận vốn điều lệ là vốn cam kết góp, nhưng chỉ trong 90 ngày là phải góp đủ, nếu sau ba năm không góp đủ thì phải giảm vốn điều lệ xuống bằng với số vốn thực góp. Việc chào bán cổ phần ra bên ngoài không bị hạn chế bởi việc đăng ký vốn điều lệ. Nếu lý luận vốn điều lệ của công ty cổ phần được chia nhỏ thành những phần bằng nhau, gọi là cổ phần, hay tổng số cổ phần là vốn điều lệ thì đó là chuyện “con gà, quả trứng”.
Xét về bản chất, đó vẫn là số vốn thực góp của cổ đông vào doanh nghiệp. Doanh nghiệp không phải thuyết phục mua cổ phần bằng cách đăng ký tăng vốn điều lệ, mà phải bằng phương án kinh doanh khả thi, sau khi chào bán xong, xem xét số vốn thực góp vào doanh nghiệp thì sẽ đăng ký lại số vốn điều lệ.
Công ty có hai loại vốn: vốn vay và vốn chủ sở hữu. Vốn chủ sở hữu chỉ được ghi nhận khi các cổ đông đã góp vào doanh nghiệp, nếu ghi trước khi đóng thì sẽ không cân đối được tài sản và nguồn vốn trong bảng cân đối kế toán và điều này không liên quan đến việc trở thành chủ công ty hay chủ nợ của công ty."